Sụt lún và ngập lụt: Vấn đề nan giải tại các đô thị ven biển
Nhiều người dân tại Jakarta, Indonesia, đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt triền miên và sụt lún nghiêm trọng. Bà Erna, 37 tuổi, sống ở phía Bắc Jakarta, một trong những khu vực lún nhanh nhất thế giới, đã chứng kiến căn nhà của mình dần chìm xuống.
Hai thập kỷ trước, cửa sổ nhà bà cao ngang ngực, nay chỉ còn ngang đầu gối. Căn nhà liên tục ngập, đôi khi phải dùng thuyền di chuyển trong nhà. Nền nhà đã được đổ thêm bê tông hàng chục lần, có chỗ dày đến một mét nhưng không thể ngăn nó tiếp tục sụt xuống.

Tình trạng ngập lụt tại Jakarta
Theo nghiên cứu mới từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), 48 thành phố ven biển trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ đang sụt lún với tốc độ trung bình ít nhất 1 cm mỗi năm (giai đoạn 2014-2020). Điều này ảnh hưởng đến gần 76 triệu người đang sinh sống tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún bao gồm xây dựng ồ ạt, khai khoáng, dịch chuyển kiến tạo và đặc biệt là khai thác nước ngầm quá mức. Khi nước ngầm bị rút cạn, lớp đất bên dưới bị nén lại, khiến mặt đất sụt xuống, kéo theo nhà cửa, đường sá và hạ tầng.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những thành phố nằm trên vùng châu thổ thấp ven biển như Jakarta, Bangkok (Thái Lan), và Thượng Hải (Trung Quốc). Tại Jakarta, gần một nửa thành phố đã nằm dưới mực nước biển.
Giải pháp cho tình trạng sụt lún
Kết hợp với mực nước biển dâng vì biến đổi khí hậu, hiện tượng sụt lún đang khiến tình trạng ngập lụt tại các đô thị trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Một số thành phố đã xây đê và tường chắn biển để ngăn nước biển tràn vào.
Tuy nhiên, điều này lại tạo ra “hiệu ứng lòng chảo”, khiến nước mưa và nước sông không thoát được, làm tình trạng ngập thêm trầm trọng. Một số nơi như Tokyo (Nhật Bản) đã chọn cách khác: Cấm khai thác nước ngầm và xây dựng hệ thống cấp nước tập trung.
Các mô hình “thành phố bọt biển” – với mặt đất thấm nước và không gian xanh – đang được nhiều nơi như Thượng Hải hay Berlin (Đức) thử nghiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu không có quyết tâm chính trị dài hạn và hạn chế sử dụng nước ngầm, hàng triệu người sẽ phải sống trong cảnh nhà cửa ngập úng và nền đất tiếp tục chìm sâu theo thời gian.