Trang chủ Công nghệ Thêm hàng triệu người dùng thanh toán online

Thêm hàng triệu người dùng thanh toán online

bởi Linh

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng, ngành NH đang triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing)… và đang hướng vào triển khai công nghệ API, OPENbanking kết nối mở rộng hệ sinh thái cung ứng dịch vụ. Những yếu tố này góp phần thúc đẩy các kênh thanh toán không tiền mặt phát triển nhanh.

Giao dịch tính bằng giây

NH là ngành đầu tiên ban hành kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%, các dịch vụ thanh toán số hóa 100%… Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 6-2022, có tới 68% người trưởng thành mở tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các NH.

Thêm hàng triệu người dùng thanh toán online - Ảnh 1.

Hộ kinh doanh, tiểu thương có thể tự tạo mã VietQR giúp khách hàng thanh toán dễ dàng. Ảnh: BÌNH AN

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng thông tin về hạ tầng cho chuyển đổi số, 5 năm trước, mỗi ngày có 50.000 giao dịch NH, hiện đã đạt 8 triệu giao dịch/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỉ đồng/ngày, tương đương 40 tỉ USD giao dịch qua NH. Các NH, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây.

Theo số liệu của NH TMCP Quốc tế (VIB), trong 9 tháng đầu năm 2022, giao dịch NH số tăng trưởng vượt bậc với hơn 100% so với năm trước. Riêng trong lĩnh vực thẻ, VIB hiện đóng góp trên 35% tổng mức chi tiêu thẻ Master tại Việt Nam. Trước đó, tháng 7-2022, VIB đã đưa Vie – “chuyên gia tài chính AI” – đầu tiên tại Việt Nam vào hoạt động giao dịch với khả năng tư vấn và hướng dẫn khách hàng mở thẻ và sử dụng thẻ trên tất cả kênh số. Vie được xây dựng trên cơ sở dữ liệu và tập hợp các xu hướng với những công nghệ AI, máy học, công nghệ mô phỏng 3D siêu thực… Tại NH TMCP Tiên Phong (TPBank), nhiều công nghệ mới được đưa vào ứng dụng trên TPBank Mobile như Voicepay – thanh toán bằng giọng nói, Facepay – thanh toán bằng khuôn mặt, Nickname – tạo số tài khoản mang bản sắc riêng của người sử dụng, MeZone – cài đặt và lựa chọn giao diện App theo sở thích và nhu cầu, Chatpay – chuyển tiền dễ dàng với cửa sổ giao dịch y như chat… Theo báo cáo tính đến hết tháng 9, NH này có hơn 7 triệu khách hàng, trong đó nhóm khách hàng trẻ (gen Y, gen Z) chiếm 70% và đạt mục tiêu khoảng 2 triệu khách hàng mới gia tăng thêm trong năm nay.

Tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số lượng giao dịch trên kênh số của BIDV tăng và chiếm đến 93%, giao dịch số của riêng năm 2021, bằng cả 3 năm trước cộng lại. Tốc độ tăng trưởng của số lượng khách hàng theo cấp số nhân qua các năm. Từ khi ứng dụng giải pháp định danh điện tử (eKYC) số lượng khách hàng mở tài khoản số BIDV thành công lên đến 2 triệu.

Phát triển điểm giao dịch số

Trong bối cảnh các NH thương mại chạy đua số hóa, các điểm giao dịch số tự động cũng được đầu tư nhiều hơn. Chị Hoàng Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết hiện khá nhiều NH triển khai các điểm giao dịch số tự động giúp khách hàng có thể thực hiện mọi thao tác từ nộp/rút tiền mặt đến mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền…

Theo ghi nhận, phát triển các điểm giao dịch số tự động 365+ được không ít NH ưu tiên đầu tư tạo nên bước ngoặt mới trong lĩnh vực tài chính NH. Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, 365+, xuyên lễ, Tết mà không phụ thuộc vào giờ hành chính; có thể nộp/rút tiền từ tài khoản của tất cả NH tại Việt Nam bằng QRCode theo tiêu chuẩn VIETQR; mở tài khoản bằng định danh điện tử eKYC; gửi tiết kiệm online nhận ngay giấy chứng nhận tiền gửi điện tử… “Hiện ONEBANK đã phát triển mạng lưới gần 100 điểm trên toàn quốc đáp ứng nhu cầu của khách hàng” – đại diện Nam A Bank nói.

Theo các chuyên gia, số hóa có thể tạo nên sức mạnh chuyển đổi cách làm NH, giúp cho giao dịch NH trở nên đơn giản, phù hợp và dễ tiếp cận hơn với khách hàng. Hiện không chỉ các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, mà bất cứ hộ kinh doanh, tiểu thương nào cũng có thể thiết lập cho cửa hàng, quán ăn, điểm kinh doanh của mình một kênh thanh toán không tiền mặt phục vụ khách hàng. Tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), công nghệ Tap to phone cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một thiết bị POS để thanh toán không tiếp xúc. Cùng với giải pháp Rapid Seller Onboarding – phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc, các hộ kinh doanh có thể hoàn tất cài đặt, đăng ký trực tuyến để trở thành đơn vị chấp nhận thẻ nhanh chóng. Theo đại diện Sacombank, giải pháp này đáp ứng yêu cầu hiệu quả về chi phí và khả năng nhận thanh toán không tiếp xúc cho các đơn vị chấp nhận thẻ, nhà hàng ăn uống thanh toán tại bàn, tiểu thương, hộ kinh doanh… mà không cần lắp đặt thêm các thiết bị phần cứng, đường truyền, đồng thời vẫn bảo đảm tính an toàn bảo mật. Chủ thẻ không phải ký tên vào hóa đơn dưới 1 triệu đồng. Đối với hóa đơn trên 1 triệu đồng, bên bán sẽ hướng dẫn chủ thẻ ký tên trên màn hình thiết bị di động và nhập email để nhận hóa đơn điện tử.

Đến thời điểm hiện tại, mạng lưới của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai dịch vụ chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR với khoảng 40 NH thành viên cung cấp dịch vụ cho người dân, chiếm 99,29% thị phần cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247. Với VietQR, bất cứ tiểu thương, hộ kinh doanh… đều có thể tự tạo mã VietQR để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của họ chuyển khoản, thanh toán. Sau 1 năm triển khai trên thị trường, dịch vụ hiện có hơn 3 triệu người dùng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch đạt mức tăng trưởng trung bình 70% tháng, tổng số lượng giao dịch gấp 15 lần so với năm 2021. 

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về thanh toán di động

Theo kết quả khảo sát tại 44 quốc gia do Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) thực hiện, tính đến tháng 8-2022, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 với tỉ lệ 33,2% người dùng smartphone để thực hiện các giao dịch thanh toán sau Trung Quốc với tỉ lệ 40,4%, tương đương hơn 500 triệu người. Các quốc gia xếp theo sau lần lượt là Hàn Quốc (27,5%), Anh (26,7%), Ấn Độ (26,6%), Mỹ (25,6%)… Khảo sát cho thấy trung bình trong năm 2022, mỗi người Việt Nam chỉ thực hiện giao dịch 134 USD (khoảng 3,2 triệu đồng) thông qua smartphone.

B.Hưng

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm