
Anh Trần Đăng Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Sự kiện Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho kinh tế tư nhân Việt Nam.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Anh Trần Đăng Nam, chia sẻ về tầm quan trọng và những kỳ vọng xung quanh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
PV: Anh có cảm nhận như thế nào về Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ký ban hành?
Anh Trần Đăng Nam: Sự ra đời của Nghị quyết 68 là bước đột phá từ tư duy cho đến hành động. Với kinh tế tư nhân, đây có thể coi là một mốc son lịch sử. Nghị quyết không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo, định hướng mà còn đưa ra những giải pháp, yêu cầu, chỉ tiêu hết sức cụ thể, mang lại sự tin tưởng to lớn vào quyết tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Về mặt ý nghĩa, Nghị quyết 68 thể hiện quyết tâm cao độ trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Việc nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” khẳng định sự bình đẳng với kinh tế nhà nước và khối FDI.
PV: Cá nhân anh và doanh nghiệp đã có những chuẩn bị hay hoạt động gì để góp phần vào mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra?
Anh Trần Đăng Nam: Ngay khi Nghị quyết vừa ra đời, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch hành động xuyên suốt, bao gồm các giai đoạn từ nghiên cứu, đào tạo đến việc thấu hiểu những điểm mấu chốt của Nghị quyết 68. Tập đoàn DOLGROUP sẽ thúc đẩy xu hướng hội nhập toàn cầu, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
PV: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, anh có những đề xuất gì với lãnh đạo các cấp để doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt hơn trong thời gian tới?
Anh Trần Đăng Nam: Để Nghị quyết thực sự trở thành động lực giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển, cần quan tâm đến một số nội dung như hoàn thiện thể chế, nâng cao nguồn lực cho kinh tế tư nhân, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Thứ nhất, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Thứ hai, nâng cao nguồn lực cho kinh tế tư nhân thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, hỗ trợ thực chất và hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.