Trang chủ Tài chính Kinh tế toàn cầu đối mặt với triển vọng ảm đạm trong thập kỷ tới

Kinh tế toàn cầu đối mặt với triển vọng ảm đạm trong thập kỷ tới

bởi Linh

Kinh tế toàn cầu đang đứng trước ngưỡng cửa của một thập kỷ tăng trưởng trì trệ. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay và năm 2026 chính xác, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu bình quân trong 7 năm đầu tiên của thập niên 2020 sẽ ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1960.

Định chế tài chính này dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ suy yếu còn 2,3% vào năm 2025, với sự giảm tốc ở hầu hết các nền kinh tế so với năm trước. Đây sẽ là mức tăng trưởng toàn cầu thấp nhất trong vòng 17 năm trở lại đây, không tính hai cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2009 và năm 2020.

Theo dữ liệu của WB, năm 2009 và 2020 ghi nhận tăng trưởng toàn cầu ở mức -1,3% và -2,9%. “Thuế quan tăng vọt và tình hình bất ổn kéo theo sau đó sẽ là nguyên nhân chính gây ra suy giảm tăng trưởng kinh tế trên diện rộng,” các nhà phân tích của WB nhận định.

Tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại leo thang đã khiến WB phải giảm dự báo tăng trưởng của gần 70% số nền kinh tế trên thế giới. WB cho rằng các xu hướng dài hạn như nợ công tăng cao là nhân tố khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển giảm tốc tăng trưởng.

Triển vọng kinh tế toàn cầu chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của chính sách thương mại toàn cầu. Tăng trưởng có thể thấp hơn nữa nếu các hạn chế thương mại gia tăng hoặc nếu sự bất ổn chính sách tiếp diễn.

Ở chiều tích cực, sự bất định và các rào cản thương mại có thể giảm nếu các nền kinh tế lớn đạt được các thỏa thuận bền vững nhằm giải quyết căng thẳng thương mại. Các nỗ lực chính sách đa phương mạnh mẽ là cần thiết để thúc đẩy một môi trường dự đoán được và minh bạch hơn.

Các nhà phân tích của WB đã đưa ra kiến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách quốc gia: cần kiểm soát các rủi ro liên quan đến lạm phát cũng như củng cố vị thế tài khóa bằng cách tăng thu nội địa và ưu tiên lại chi tiêu. Để thúc đẩy tạo việc làm và cải thiện triển vọng tăng trưởng dài hạn, các cải cách là thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng thể chế và thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Có thể bạn quan tâm