Trang chủ Doanh nghiệp Kinh tế phục hồi mạnh mẽ (*): Công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ (*): Công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

bởi Linh

Sáng 3-11, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD tại Khu Công nghiệp VSIP III của tỉnh Bình Dương. Dự án được khởi công trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, tình trạng lạm phát gia tăng ở quy mô toàn cầu đang tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, càng chứng minh sức hút của môi trường sản xuất, đầu tư Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Lấy lại động lực tăng trưởng

Nhà máy LEGO là dự án công nghệ cao lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19 được đầu tư vào tỉnh Bình Dương, đồng thời là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của DN Đan Mạch vào Việt Nam. Ông Niels B. Christiansen, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO, cho biết nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động sản xuất vào năm 2024. 

“Chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư xuất phát từ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong phát triển bền vững cũng như quan hệ thương mại hội nhập quốc tế của Việt Nam rất tốt. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại Việt Nam cũng đáp ứng nhu cầu của LEGO” – ông Niels B. Christiansen bày tỏ.

Sự kiện khởi công dự án nhà máy LEGO đã khắc họa đậm nét dòng chảy của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2022. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến ngày 20-10, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài gần 22,46 tỉ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 10 tháng ước tính 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. 

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhận định việc giải ngân vốn FDI khả quan đã cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ ổn định tỉ giá và các cân đối vĩ mô khác.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ (*): Công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm đều ghi nhận sự tăng trưởng cao trong 10 tháng của năm 2022. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư 10 tháng góp phần vào bức tranh chung của sản xuất công nghiệp cả nước. Theo Bộ Công Thương, tròn một năm mở cửa khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp đã lấy lại động lực tăng trưởng. 

Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất (IIP) tháng 10 ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến – chế tạo tăng 5,7%. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9%, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Chỉ số sản xuất 10 tháng của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%… Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 9, báo hiệu mức cải thiện liên tục của các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất.

Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Trong những tháng cuối năm 2022, nhằm ổn định và phát triển công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bằng việc tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu. 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung – cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu; chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN khôi phục sản xuất – kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, TS Cấn Văn Lực đề xuất cần xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể để tăng tính độc lập, tự chủ tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và DN Việt Nam. Cụ thể, cần tập trung ưu tiên cải thiện một số lĩnh vực như: chất lượng tăng trưởng; phát triển cân bằng thị trường tài chính; tháo gỡ các rào cản tăng trưởng bền vững liên quan đến chất lượng thể chế… 

Tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào cũng là ý kiến được cả chuyên gia trong và ngoài nước đề cập liên quan đến việc vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam nhưng sự tham gia của các DN nội địa chưa như kỳ vọng.

Dưới góc độ DN, ông Trần Quốc Vinh, Giám đốc Công ty Công nghệ Gremsy (Khu Công nghệ cao TP HCM), cho rằng với những điều kiện thuận lợi như hiện nay: nguồn nhân lực chất lượng cao, sự hoàn thiện hệ sinh thái các nhà sản xuất, gia công phụ trợ, sự mở rộng kết nối với bên ngoài về khoa học – công nghệ, sự quan tâm của Chính phủ sẽ là khởi điểm rất tốt để các DN Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. 

“Công ty đang quyết tâm cao độ để nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ trong nước nhằm tối ưu thế mạnh của nhau, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đã sẵn sàng cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, từng bước đi vào giai đoạn vận hành chuyên nghiệp, tự động hóa trong sản xuất với quy mô lớn, đáp ứng chất lượng toàn cầu” – ông Vinh nói thêm.

Tại lễ khai mạc Tuần lễ DN Việt Nam – Hàn Quốc mới đây, ông Kwak Sungil, Giám đốc Ban Chiến lược Kinh tế và An ninh Viện Chính sách Kinh tế Quốc dân Hàn Quốc (KIEP), cho biết thời gian qua, cùng với sự thay đổi xu hướng đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam, cơ cấu hợp tác kinh tế giữa 2 nước cũng có sự dịch chuyển từ ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao. 

Có điều chuyển giao công nghệ giữa các DN Hàn Quốc và Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Tỉ lệ tận dụng giá trị gia tăng của DN nội địa ngày càng giảm trong quá trình các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam. “Điều này đặt ra bài toán cần có sự đột phá về công nghệ của Việt Nam để cải thiện tỉ lệ nội địa hóa, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện vẫn thiếu chính sách, cơ chế hỗ trợ sản xuất công nghệ cao” – ông Kwak Sungil nói. 

TP HCM đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ

Với mục đích hỗ trợ DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng tại TP HCM, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2023. Theo đó, TP HCM hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung – cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thông qua việc xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ; triển khai chính sách hỗ trợ DN đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo chương trình kích cầu đầu tư thành phố; xây dựng, tham mưu ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm