Ngành môi giới bất động sản đang đứng trước một thách thức lớn khi phần lớn lực lượng môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề. TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng VARS IRE cho biết thị trường đang tồn tại một nghịch lý: đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, doanh nghiệp chưa có nhân lực đạt chuẩn, nhưng lại không thể tổ chức thi.

Chứng chỉ môi giới bất động sản
Tại hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu, gỡ thế nào?”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết chúng ta đang đứng giữa thời điểm chuyển giao cực kỳ quan trọng của ngành môi giới bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có hiệu lực từ 1/8/2024 với kỳ vọng lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ hành nghề.
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE) với khoảng gần 30.000 nhà môi giới, đến nay đã có hơn 6.000 học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn Thông tư 04 nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch, do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các tỉnh, thành.

TS. Nguyễn Văn Đính
Đáng lưu ý, có đến 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi thị trường.
Vướng ở khâu tổ chức thi sát hạch, gỡ từ đâu?
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng điểm nghẽn chủ yếu đến từ sự chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn thực hiện ở cấp địa phương. Dù Luật đã quy định rõ trách nhiệm thuộc UBND tỉnh/thành phố, nhưng hiện tại đa số địa phương vẫn chưa có động thái triển khai cụ thể.
TS Trần Xuân Lượng cho biết thêm 88% người học cho biết họ không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương, điều này cho thấy sự rối rắm trong phối hợp giữa các bên.

Ông Phan Đức Hiếu
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh đây là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến thực thi pháp luật. “Tôi mong sau cuộc hội thảo này, ban tổ chức tập hợp những kiến nghị trên và gửi ngay đến các cơ quan chức năng.”
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, cần một cơ chế điều phối hiệu quả với trách nhiệm được phân định rõ ràng, cùng sự đồng lòng và quyết tâm hành động từ cả cấp trung ương và địa phương.