Trang chủ Công nghệÔ tô - Xe máy Geely Dừng Xây Dựng Nhà Máy Mới Do Công Suất Dư Thừa Toàn Cầu

Geely Dừng Xây Dựng Nhà Máy Mới Do Công Suất Dư Thừa Toàn Cầu

bởi Linh

Geely – hãng xe lớn thứ hai Trung Quốc – vừa tuyên bố dừng xây dựng nhà máy mới do tình trạng công suất dư thừa toàn cầu. Chủ tịch Geely, ông Li Shufu, cho biết công ty sẽ tập trung nâng cao năng lực công nghệ nhằm trở thành một nhân tố quan trọng trong tương lai của ngành.

Geely dừng xây dựng nhà máy mới

Geely hiện là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Trung Quốc

“Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng công suất dư thừa nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định dừng xây dựng thêm nhà máy ô tô mới”, ông Li Shufu phát biểu tại Triển lãm ô tô Trùng Khánh.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô đang lao vào cuộc chiến giảm giá khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Các hãng lớn như BYD, Geely và Leapmotor đã đồng loạt giảm giá tới 20% cho 70 mẫu xe trong tuần cuối tháng 5.

Theo báo cáo của JPMorgan Chase, mức chiết khấu trung bình của các hãng xe Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, đạt mức kỷ lục 16,8% trong tháng 4, so với mức 8,3% trong năm 2024.

Cuộc Chiến Giảm Giá Xe và Công Suất Dư Thừa

Ông Chen Jinzhu, CEO của công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service, nhận định rằng việc Geely dừng xây dựng nhà máy mới sẽ thúc đẩy các đối thủ trong nước làm theo để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho ngành ô tô.

Ông Li cũng cho biết công suất dư thừa trên toàn cầu có thể được tận dụng khi Geely triển khai chiến lược toàn cầu hóa. Hồi tháng 2, Geely từng tuyên bố sẽ sử dụng nhà máy của Renault tại Brazil để phục vụ kế hoạch mở rộng thị trường.

Thị Trường Xe Điện và Tương Lai Ngành Công Nghiệp Ô Tô

Geely Auto, chủ sở hữu các thương hiệu như Zeekr, Lynk và Galaxy, đã bán được 2,18 triệu xe trong năm 2024, tăng 32% so với năm 2023. Doanh số xe điện của hãng tăng vọt 92%, vượt mốc 888.000 xe.

Công ty mẹ của Geely Auto là Zhejiang Geely Holding Group, do ông Li nắm quyền kiểm soát, hiện cũng sở hữu Volvo Cars và nắm cổ phần tại Daimler – tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz.

Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, ô tô điện chiếm hơn 60% tổng lượng xe bán ra trong năm 2024. Tuy nhiên, chỉ có một nửa công suất sản xuất xe điện của Trung Quốc được sử dụng trong năm 2024, theo Goldman Sachs.

Ông Nick Lai, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngành ô tô khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại JPMorgan, cho rằng việc tăng cường xuất khẩu có thể giúp cải thiện lợi nhuận cho các hãng xe điện Trung Quốc.

Xuất Khẩu Xe Điện Trung Quốc và Thị Trường Châu Âu

Ông Carlo Diego D’Andrea, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Thượng Hải, cho biết nhu cầu về công nghệ xe điện Trung Quốc và đầu tư vào châu Âu đang tăng lên.

“Tôi hy vọng cuộc đối thoại hiện nay giữa châu Âu và Trung Quốc sẽ mang lại kết quả tích cực hơn và các công ty Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn”, ông nói.

Geely đã chính thức có mặt tại Việt Nam thông qua đối tác là Công ty cổ phần Tasco, ra mắt 3 mẫu xe: Coolray, Monjaro và EX5. Geely còn có kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Thái Bình.

Có thể bạn quan tâm