
Axit hóa đại dương được ví như “người anh em song sinh tàn độc” của biến đổi khí hậu.
Đại dương đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi độ axit vượt quá ngưỡng an toàn toàn cầu, đe dọa hệ sinh thái biển và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm triệu người.
Các nhà khoa học quốc tế vừa công bố nghiên cứu cho thấy đại dương đã vượt quá “ranh giới hành tinh” về độ axit từ năm 2020, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học. Hiện tượng axit hóa xảy ra khi khí CO₂ trong khí quyển được hấp thụ vào nước biển, tạo thành axit carbonic và làm giảm độ pH.
Quá trình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sinh vật biển, đặc biệt là những loài có vỏ canxi như san hô, hàu, ốc, trai. Chúng suy yếu và mất khả năng hình thành vỏ, phá hủy các rạn san hô – nơi cư trú của hơn 25% sinh vật biển.
Báo cáo của Phòng thí nghiệm Hàng hải Plymouth, Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ và Đại học Bang Oregon cho thấy nồng độ canxi cacbonat trong nước biển đã giảm hơn 20% so với mức trước thời kỳ công nghiệp, vượt qua “ranh giới an toàn” cho hệ sinh thái biển.

Ảnh minh họa
Tình trạng axit hóa trở nên nghiêm trọng hơn ở các vùng nước sâu, nơi sinh sống của phần lớn sinh vật biển. Ở độ sâu 200m, hơn 60% diện tích đại dương toàn cầu đã vượt qua ngưỡng an toàn.
Axit hóa đại dương không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật biển mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của hàng trăm triệu người sống nhờ nghề cá, du lịch biển và nuôi trồng thủy sản.
Các nhà khoa học khẳng định giải pháp căn cơ là giảm phát thải khí CO₂ toàn cầu. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo tồn khẩn cấp cho những khu vực và loài sinh vật dễ tổn thương.
Nếu không hành động kịp thời, nhiều môi trường sống quý giá sẽ biến mất vĩnh viễn. Đại dương đang “chết dần” và tương lai hành tinh này phụ thuộc vào hành động của con người hôm nay.