Cho vay ngang hàng – P2P Lending là hình thức kết nối trực tuyến giữa người vay và người cho vay mà không cần qua trung gian tài chính truyền thống. Gần một thập kỷ phát triển, thị trường này tại Việt Nam từng rơi vào “vùng xám” pháp lý, dẫn đến nhiều rủi ro cho cả người vay và nhà đầu tư.
Từ ngày 1/7, lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ được đưa vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025 của Chính phủ. Đây là bước ngoặt quan trọng, kỳ vọng sẽ định hình lại toàn bộ thị trường.
Thực trạng cho vay ngang hàng tại Việt Nam hiện nay cho thấy nhiều bất cập. Người vay dễ dàng tiếp cận khoản vay nhưng cũng đối mặt với rủi ro vỡ nợ do lãi suất cao ngất ngưởng. Việc thu hồi nợ cũng diễn ra một cách tự phát, vượt ngoài khuôn khổ pháp luật.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng hoạt động cho vay ngang hàng hiện nay còn nhiều hạn chế. “Các hoạt động cho vay này diễn ra khá dễ dàng. Chính vì vậy, khi người dân thực hiện các hoạt động vay, họ cũng không kiểm soát kỹ nên cũng dễ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.”

Cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo thống kê, hiện có khoảng 200 nền tảng cho vay ngang hàng đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu dưới danh nghĩa các công ty công nghệ. Dù đáp ứng một phần nhu cầu vay của người dân, nhưng nếu không kiểm soát rủi ro, hệ lụy sẽ lan rộng.
Nghị định 94 đưa ra khuôn khổ thử nghiệm sandbox, sẽ kiểm soát toàn diện hoạt động cho vay ngang hàng trong hai năm. Tất cả các hoạt động sẽ được giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nhận định rằng sandbox sẽ mang lại hệ thống pháp lý đồng bộ, bảo đảm quyền lợi của cả bên cho vay và bên vay.
Cơ chế sandbox được kỳ vọng sẽ là bước chuyển mình quan trọng với cho vay ngang hàng. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, các nền tảng cho vay ngang hàng mới có thể phát triển bền vững.