Hạn hán toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng hơn do bầu khí quyển Trái đất ngày càng “khát” nước. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đã chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng này.

Mùa màng bị ảnh hưởng do thiếu nước
Nhu cầu bốc hơi khí quyển (AED) là lượng nước mà bầu khí quyển muốn từ mặt đất. Khi Trái đất ấm lên, AED tăng lên, hút nhiều độ ẩm từ đất, sông, hồ và cây cối. Điều này làm cho hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả khi lượng mưa không giảm đáng kể.
Hãy hình dung lượng mưa là thu nhập và AED là chi tiêu. Nếu thu nhập không đổi nhưng chi tiêu tăng, chúng ta sẽ bị thâm hụt. Đó chính là những gì đang xảy ra với hạn hán: bầu khí quyển đang đòi hỏi nhiều nước hơn mức đất có thể cho đi.
Nguyên nhân và hậu quả của hạn hán
Quá trình AED mô tả lượng nước mà bầu khí quyển muốn từ mặt đất. Không khí càng nóng, càng nắng, càng gió và càng khô thì chúng sẽ càng cần nhiều nước hơn. Do đó, ở những nơi lượng mưa không thay đổi, chúng ta vẫn chứng kiến hạn hán tồi tệ hơn.
Phân tích mới của nhóm nghiên cứu cho thấy AED không chỉ khiến hạn hán hiện nay trở nên tồi tệ hơn mà còn mở rộng khu vực bị hạn hán. Từ năm 2018 – 2022, diện tích đất toàn cầu bị hạn hán đã tăng 74% và 58% trong phần diện tích tăng này là do AED tăng.
Hậu quả nghiêm trọng
Tính riêng châu Âu, hạn hán lan rộng đã ảnh hưởng đến thủy điện, mùa màng và nhiều thành phố bị thiếu nước sinh hoạt; gây áp lực chưa từng có lên các lĩnh vực cấp nước, nông nghiệp và năng lượng, đe dọa sinh kế và sự ổn định kinh tế.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng năm 2022 là năm hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm qua. Hơn 30% diện tích đất toàn cầu đã trải qua các điều kiện hạn hán từ trung bình đến cực đoan.
Những tác động trong tương lai từ cơn khát khí quyển là rất lớn, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị tổn thương vì hạn hán. Nếu không tính đến AED trong quá trình giám sát hạn hán và lập kế hoạch ứng phó, chính phủ các nước có thể sẽ đánh giá thấp mức độ rủi ro mà họ có thể đối mặt.